top of page

Làm sao để nấu ăn không phải cuộc chiến???

Updated: Sep 8, 2021


Chào mọi người, bài này mình viết để cho các chị em đi làm fulltime như mình có thể vẫn nhiệt huyết với công việc mà vẫn có thể enjoy việc nội trợ gia đình.

Vợ chồng mình cùng đi là fulltime nên rất hiểu sự vất vả này, nhất là ở bên Nhật khi bạn hầu như không nhận được sự hỗ trợ của gia đình.

Kohai của mình có hỏi là sao mình có thể vừa đi làm 8h/ngày (thậm chí có hôm tăng ca cuối tháng 12,13h/ngày là chuyện thường), vừa nấu ăn, sắp xếp nhà cửa khoa học, vừa có thể học thêm tín chỉ, lại viết blog nữa (có vẻ hơi nổ mà thật ra đúng là vậy, hehe). Mình làm những việc mình thích và thấy thoải mái để toát ra được năng lượng tích cực^^.

Mình thích việc nhà cửa sạch sẽ, sắp xếp khoa học, thích bàn ăn phải rực rỡ sắc màu, thích phòng ốc phải thơm tho tràn ngập ánh nắng. Thậm chí mình còn nhờ một chị học viên của Kondo Marie về dạy mình cách sắp xếp nhà cửa sao cho hợp lý gọn gàng.

Nói chung là mình đam mê với việc ngắm nhìn sự ngăn nắp ở mức không tạo áp lực và stress cho bản thân.

Quay lại chuyện nấu ăn thì hầu như mỗi ngày mình chỉ dành tầm 30 phút nấu ăn vào buổi tối thôi (cuối tuần thì khác). Vậy thì làm sao để Nấu ăn không trở thành một cuộc chiến???


Nguyên tắc 2 KHÔNG cực kì quan trọng

Tuyệt đối KHÔNG vào bếp khi cơ thể bạn mệt mỏi và đình công

Việc này tại sao quan trọng?

・Vì khi cơ thể bạn mệt mỏi và nghĩ đến chuyện nấu ăn đã thấy mệt rồi thì bạn chỉ có thể nấu ra được các món ăn vô cảm, đó sẽ chỉ là món ăn chứa sự mệt mỏi trong đó. Việc vào bếp lúc này sẽ khiến bạn ghét bếp.

・Ăn ngoài hay đồ ăn sẵn một hôm không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ một ai hết, gia đình bạn vẫn sống bình thường khoẻ mạnh, yên tâm đi.

・ Dừng ngay việc suy nghĩ phải nấu ăn là vì ai đó, hãy vì bản thân mình trước.

2. Không lên sẵn menu hàng tuần

Nghe thì có vẻ vô lý nhưng mình thường không lên kế hoạch nấu món gì trong tuần trừ những tuần có bạn bè đến chơi. Tại sao?

Mình đã thử lên menu như vậy nhưng việc này không thích hợp với style nấu ăn của mình và hầu như là không theo được menu định sẵn. Vậy thì việc gì phải gò bó với khuôn khổ như vậy trong khi mỗi ngày mình lại muốn ăn một món nào đó tuỳ tâm trạng hôm đó thức dậy.

Việc lên menu cũng làm giảm sáng tạo khi nấu ăn nữa nên mình đã từ bỏ việc lên menu.


Trong bài này mình sẽ chia sẻ một số tip nên làm về nhà bếp để việc nội trợ dễ dàng hơn để mọi người có thể tham khảo và áp dụng nhé.

Về cơ bản có các tip như sau

  1. Tạo không gian bếp sạch sẽ dễ sử dụng để bạn có thể sẵn sàng vào bếp bất cứ lúc nào và yêu việc vào bếp.

  2. Dành thời gian chuẩn bị vào cuối tuần bao gồm:

・Chia nguyên liệu theo mục đích sử dụng, tẩm ướp sẵn gia vị theo menu rồi trữ đông
・Nấu sẵn hầm sẵn nước dùng hoặc tẩm ướp sẵn gia vị
・Nấu sẵn các món có thể dài 3-4 ngày trữ lạnh hoặc đông (作り置き) khi cần lấy ra dùng được ngay
・Tận dụng triệt để các dụng cụ hỗ trợ nấu ăn từ nồi áp suất, nồi ủ, lò vi sóng, khay nướng cá có sẵn.

3. Vận động sự hỗ trợ từ người thân, hãy để việc nhà không phải chỉ của riêng ai^^

Bài này mình sẽ không đề cập đến điều số 1 vì sẽ còn là một bài viết khác nữa mà mình dự định sẽ tổng hợp lại sau nên mình sẽ chia sẻ về nội dung thứ hai.


①  Chia nguyên liệu theo mục đích sử dụng và sắp xếp khoa học vào tủ lạnh.

Sau mỗi lần đi siêu thị về thì việc đầu tiên là sắp xếp chúng vào trong tủ lạnh.

・Với các loại thịt cá hải sản, chia vào các hộp bảo quản hoặc túi zip sẵn có theo mục đích sử dụng. (Ví dụ ảnh dưới mà giờ mình chuyển từ túi ZIP lock qua túi silicon rồi nha^^)

Đồ thịt đông lạnh khi mua về không nên nhồi nhét hết vào tủ lạnh là xong đâu. Tại sao?

+ Không vệ sinh an toàn: Việc để nguyên các khay thịt từ siêu thị sẽ khiến thịt vẫn tiếp xúc vs không khí và làm giảm chất lượng, dễ gây hỏng thịt cá. Tốt nhất là cho vào túi zip ép không khí ra. Mình hay dùng túi zip silicon loại rửa đi dùng lại để giảm diện tích để được nhiều đồ hơn (lên amazon có rất nhiều loại). Mình hạn chế dùng túi 1 lần vừa tốn kém vừa hại môi trường.

+ Gây stress khi không biết tủ lạnh còn gì, ở đâu, dùng cái nào trước cái nào sau.


・Nên dán nhãn hay ghi luôn lên mặt túi ngày mua và mục đích sử dụng của nguyện liệu. Tại sao?

+ Để biết được mình nên ưu tiên dùng loại nguyên liệu nào trước, tránh việc để lâu không an toàn, bỏ phí rất uổng.

+ Để ngay cả khi bạn về muộn, chồng bạn về sớm nhìn vào túi là biết được loại này có thể nấu gì ^^. Hãy tạo điều kiện để chồng, người thân bạn có thể sử dụng bếp dễ dàng.


Ảnh dưới là bây giờ sau khi chuyển sang túi silicon dùng nhiều lần và túi nilon được cho cùng khi đi siêu thị, bỏ đi cũng phí nên mình tận dụng luôn^^

・Sắp đồ trong tủ lạnh sao cho khoa học, Sắp dựng đứng túi chứ không để chồng lên nhau.

Với cách sắp xếp này bạn không phải lục tung tủ đông lên nữa mà thoáng nhìn qua là biết ngay trong tủ có gì.

Tủ lạnh nhà mình khá nhỏ, tổng dung tích chỉ có 260 ml nên cũng khá phải cân nhắc khi mua đồ và sắp xếp. Tủ lạnh rộng hơn thì dễ dàng hơn nhiều nhưng nguyên tắc vẫn nên sắp dựng túi nhé.

Với rau củ thì có thể sơ chế sẵn để ráo nước rồi cho vào túi hoặc hộp. Hành tỏi băm mình khuyên nên băm sẵn 1 lần nhiều để đông hoặc để lạnh dùng dần cho đỡ mất công.

Mình tận dụng túi giấy gấp lại để chia rau cho dễ nhìn như hình dưới.

Với hành tây, khoai tây mình để ở ngoài tránh ánh sáng.


② Nấu sẵn nước dùng , tẩm ướp sẵn gia vị

Để trong tuần vẫn có thể có bún hay canh thì cuối tuần mình hay ninh sẵn một nồi nước dùng chia ra thành các túi như hình dưới bảo quản lạnh hoặc đông, khi cần chỉ cần lấy ra chế biến theo món mình cần. Cách làm mình đã viết ở bài nấu phở bò, các bạn tham khảo ở đây nhé.

Tẩm ướp sẵn gia vị ví dụ như thịt kho hoặc làm sẵn Tonkatsu (thịt tẩm bột chiên), ハンバーグđể đông lạnh...

Cách làm hambagu mình có viết lại ở đây, các bạn tham khảo nhé.


③ Nấu sẵn một số món để lạnh dùng được vài ngày 作り置き (Tsukurioki)

Việc này làm bạn không phải loay hoay suy nghĩ xem ngoài món này ra còn nấu thêm gì nữa cho bữa cơm phong phú. Thêm nữa sử dụng để làm Bento cũng rất tiện dùng.

Chủ yếu mình hay làm Hambagu ハンバーグ , thịt viên, trứng ngâm tương, các loại rau trộn dầu vừng, rau ăn phụ (副菜~fukusai) như hình dưới.


Lưu ý khi làm sẵn đồ ăn để bảo quản lâu hơn thì bạn phải diệt khuẩn hộp bảo quản cẩn thận và dùng dụng cụ sạch để lấy đồ ăn ra nếu không ăn hết trong 1 lần.

Đồ ăn để nguội rồi hãy cho vào tủ lạnh tránh làm tủ lạnh sốc nhiệt.

Thỉnh thoảng rảnh tay mình tưởng tượng và vẽ ra hộp bento mình muốn làm như hình dưới nè, có thể không cần làm theo 100% mà cũng có ý tưởng sẵn.


④ Sử dụng triệt để các công cụ hỗ trợ nấu ăn nhanh

Nhà mình chỉ có dụng cụ cơ bản như lò vi sóng, nồi ủ, nồi áp suất, bếp ga có khay nướng.

Mình thấy chỉ cần sử dụng triệt để mấy công cụ này hữu ích là rất nhanh rồi.


Một số ví dụ:

・ Một bếp xào hoặc kho thịt, 1 bếp nấu canh, khay nướng nướng cá, lò vi sóng quay đồ ăn đã làm sẵn cuối tuần, làm đồng thời chắc chỉ mất 30 phút. (Rau thịt đã thái sẵn để trong túi chỉ cần bỏ ra dùng thôi nên đỡ mất công thái, rửa)

・ Nồi áp suất hầm xương với cho rau củ vào nấu canh, bếp ga xào nấu. Nồi ủ ủ nồi cháo sườn tận dụng túi nước xương ninh sẵn là sáng có đồ ăn sáng luôn.

・Túi nước xương hầm lấy ra cho rau củ vào, chiên cá hoặc hải sản xào, lò vi sóng quay đồ ăn sẵn lên.

Cuối tuần mình sẽ ưu tiên nấu các món cầu kì hơn để thay đổi không khí cho gia đình.


Và quan trọng nhất mình thấy là vợ chồng con cái cùng nên chia sẻ việc nấu ăn và chăm sóc gia đình cùng nhau. Vì chúng ta mỗi cá nhân đều có trách nhiệm với ngôi nhà của mình, với chính cái bụng đói của mình, với hạnh phúc nhỏ bé thường ngày của mình nữa.


Hi vọng bài viết của mình giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn một chút. Nếu thích các bạn có thể thả cho mình 1 tim và đăng kí nhận mail khi có bài viết mới nhé.

Thank và hẹn gặp lại ở các bài tiếp theo nhé.

🌿Xem Video để rõ hơn nhé nhớ Subscribe nha


Comments


Post: Blog2 Post

​Đăng kí email 

Cảm ơn bạn đã đăng kí

  • YouTube
  • Instagram
  • Facebook
bottom of page